Để có thể lên một kế hoạch hồi phục cho trẻ hiệu quả, đầu tiên cha mẹ cần biết tới các triệu chứng và sự ảnh hưởng của hậu COVID-19 lên sức khoẻ của trẻ
Hậu COVID-19 ảnh hưởng lên sức khoẻ của trẻ ra sao?
Định nghĩa gần đây bởi Tổ chức Y tế thế giới về tình trạng hậu COVID-19 ở người trưởng thành là tình trạng xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng kể từ khi nhiễm bệnh với các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể được giải thích bằng một chẩn đoán thay thế.
Y bác sĩ thăm khám hậu COVID-19 cho trẻ
Các triệu chứng phổ biến của hậu COVID-19 bao gồm:
- Mệt mỏi
- Sốt ở trẻ 5-11 tuổi
- Đau đầu
- Đau họng
- Khó thở
- Lơ mơ, rối loạn chức năng nhận thức
Các triệu chứng này thường có ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Các triệu chứng có thể mới khởi phát sau khi hồi phục ban đầu sau đợt COVID-19 cấp tính hoặc kéo dài từ đợt bệnh ban đầu. Các triệu chứng cũng có thể dao động hoặc tái phát theo thời gian.
Các chuyên gia đến từ BV Nhi TW cho biết hậu COVID-19 có thể gây ảnh hưởng tới toàn bộ sức khoẻ cơ thể trẻ.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết: "Mặc dù trẻ em mắc COVID-19 phần lớn đều nhẹ nhưng các biến chứng khi mắc COVID-19 ở nhóm này thông qua báo cáo của các chuyên gia nghiên cứu số liệu quốc tế cũng như trong nước cho thấy cũng có ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của các cháu, dù không nhiều nhưng cũng là đáng lo ngại như là biến chứng viêm cơ tim, Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C)".
Do đó, cha mẹ không thể không chú ý đến các tác động của hậu COVID-19 tới sức khoẻ của trẻ và cần có các biện pháp để hỗ trợ trẻ hồi phục sức khoẻ sớm.
Cha mẹ cần chăm sóc trẻ như thế nào khi trẻ có các triệu chứng hậu COVID-19?
- Liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng hậu COVID-19 ở trẻ
- Để trẻ được nghỉ ngơi, đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc
- Uống đủ nước
- Khuyến khích trẻ vận động nhẹ nhàng, đứng dậy, đi lại
- Kích lệ tinh thần của trẻ, duy trì kết nối với bạn bè và người thân trong gia đình
Việc xa trường, lớp trong thời gian dài, ít vận động và mất kết nối với bạn bè có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe của trẻ em. Điều quan trọng là cha mẹ phải dần dần đưa những điều này vào cuộc sống của trẻ trong thời gian hồi phục. Hãy nhắm đến mức tăng dần dần, duy trì tích cực về sự phục hồi của trẻ và luôn tìm kiếm sự giúp đỡ từ cơ sở y tế/bác sĩ nếu cha mẹ không chắc chắn phải làm gì.
Các hoạt động cha mẹ có thể làm trong mùa hè để giúp trẻ mắc hậu COVID-19 hồi phục tốt hơn
- Tham gia trại hè với các hoạt động tập thể, hoạt động ngoài trời rất tốt cho việc phục hồi về cả thể chất và tinh thần của trẻ
- Tham gia các hoạt động thể thao: bơi lội, bóng đá, cầu lông v.v.. tuy nhiên cần tránh các vận động gắng sức quá mức.
- Trò chuyện với trẻ về các biểu hiện của hậu COVID-19, dặn dò trẻ cần báo ngay cho cha mẹ ngay khi trẻ cảm thấy đau hay bất thường. Hướng dẫn trẻ lắng nghe cơ thể mình.
- Cha mẹ nên tổ chức các hoạt động kết nối, trò chuyện và để trẻ có thể chia sẻ cảm xúc của mình. Việc để trẻ cảm thấy được lắng nghe giúp cải thiện tinh thần của trẻ tốt hơn sau những ảnh hưởng của hậu COVID-19
- Tổ chức những chuyến du lịch cho cả gia đình, những buổi dã ngoại cho trẻ và bạn bè
- Trước khi năm học mới bắt đầu, cha mẹ nên trò chuyện và chuẩn bị tinh thần cho trẻ để quay lại trường học để tránh bỡ ngỡ
- Cha mẹ cần cập nhật thông tin từ các nguồn tin chính thống để có thể chăm sóc con mình tốt nhất và hãy lưu cho mình một địa chỉ khám chữa bệnh cũng như tư vấn sức khoẻ tin cậy để có thể chủ động trong mọi tình huống.