1. Môi trường giáo dục an toàn
1.1. Về địa điểm, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi trẻ em
Địa điểm đặt cơ sở giáo dục, lớp độc lập không vi phạm quy định tại khoản 13 Điều 6 của Luật trẻ em và không nằm trong vùng cảnh báo nguy hiểm.
Cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục bảo đảm các yêu cầu sau: Có khuôn viên, cổng trường, biển tên trường, tường rào, hàng rào, sân vườn, cây xanh bảo đảm an toàn, vệ sinh, phù hợp cảnh quan, môi trường thân thiện; Có sân chơi, bãi tập, khu để xe phù hợp và thân thiện với người học; Có khối phòng học, phòng học bộ môn, phòng phục vụ học tập bảo đảm đủ ánh sáng, thoáng mát, có bàn ghế phù hợp với người học. Có khu nhà ăn, nhà nghỉ đối với các cơ sở giáo dục tổ chức bán trú, nội trú; Có công trình vệ sinh, nước sạch và các công trình xây dựng khác bảo đảm an toàn, thân thiện, dễ tiếp cận, phù hợp với nhu cầu đa dạng của người sử dụng.
Thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi trẻ em của cơ sở giáo dục, lớp độc lập bảo đảm phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của người học; được sắp xếp và sử dụng an toàn, hợp lý, dễ tiếp cận.
1.2 Yêu cầu về tài liệu, học liệu giảng dạy
Đối với cơ sở giáo dục: Tài liệu, học liệu giảng dạy và học tập phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục; bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm, tính nhân văn và tính thẩm mỹ; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của người học; không chứa đựng các yếu tố kích động bạo lực, khiêu dâm; không trái với văn hóa, lịch sử Việt Nam; không có định kiến giới, phân biệt đối xử; Có tài liệu, học liệu về giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, giáo dục giới tính, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại; Có hệ thống công nghệ thông tin kết nối Internet và website đáp ứng yêu cầu dạy và học; được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nội dung an toàn, lành mạnh, phù hợp với độ tuổi người học.
Đối với lớp độc lập, tối thiểu phải đạt yêu cầu tài liệu, học liệu giảng dạy và học tập phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục; bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm, tính nhân văn và tính thẩm mỹ; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của người học; không chứa đựng các yếu tố kích động bạo lực, khiêu dâm; không trái với văn hóa, lịch sử Việt Nam; không có định kiến giới, phân biệt đối xử;
2. Hoạt động bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện
Đối với cơ sở giáo dục: Bảo đảm an ninh trật tự; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích; an toàn, phòng, chống cháy, nổ; an toàn phòng, chống thảm họa, thiên tai; Xây dựng, công khai và thực hiện nghiêm túc bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong cơ sở giáo dục có sự tham gia của người học; Thiết lập kênh thông tin như hộp thư góp ý, đường dây nóng và các hình thức khác để tiếp nhận, xử lý các thông tin của người học; bảo mật cho người cung cấp thông tin; Tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ chính khóa, hoạt động xã hội, từ thiện vì cộng đồng, hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng, phù hợp với độ tuổi, đặc điểm sinh lý, tâm lý của người học; Thực hiện công tác y tế trường học, công tác tư vấn, công tác trợ giúp người học; Thường xuyên trao đổi thông tin với gia đình người học và cộng đồng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của người học.
Đối với lớp độc lập, tối thiểu phải đạt yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự; an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích; an toàn, phòng, chống cháy, nổ; an toàn phòng, chống thảm họa, thiên tai; Thường xuyên trao đổi thông tin với gia đình người học và cộng đồng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của người học.
3. Phòng, chống bạo lực học đường
3.1. Biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường
Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân; ) Giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại người học; phòng, chống bạo lực học đường; bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người học; Công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường; Tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường; Thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.
3.2. Biện pháp hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực học đường
Phát hiện kịp thời người học có hành vi gây gổ, có nguy cơ gây bạo lực học đường, người học có nguy cơ bị bạo lực học đường; Đánh giá mức độ nguy cơ, hình thức bạo lực có thể xảy ra để có biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ cụ thể; Thực hiện tham vấn, tư vấn cho người học có nguy cơ bị bạo lực và gây ra bạo lực nhằm ngăn chặn, loại bỏ nguy cơ xảy ra bạo lực.
3.3. Biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường
Đánh giá sơ bộ về mức độ tổn hại của người học, đưa ra nhận định về tình trạng hiện thời của người học; Thực hiện ngay các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế, tư vấn đối với người học bị bạo lực; theo dõi, đánh giá sự an toàn của người bị bạo lực; Thông báo kịp thời với gia đình người học để phối hợp xử lý; trường hợp vụ việc vượt quá khả năng giải quyết của cơ sở giáo dục thì thông báo kịp thời với cơ quan công an, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan liên quan để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật./.