Để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường và xâm hại tình dục trẻ em xảy ra, điều trước tiên là phải chủ động phòng ngừa, lường trước nguy cơ để ngăn chặn ngay từ đầu. Muốn vậy, trước hết các trường phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em.
Phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp bạo lực, xâm hại trẻ em vẫn là một trong những vấn đề đáng báo động hiện nay là các vụ bạo lực, xâm hại cơ thể trẻ đặc biệt là xâm hại trẻ em đang diễn ra liên tiếp với số lượng ngày một gia tăng, diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Đó là những hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Bởi vậy, việc xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời hỗ trợ can thiệp đối với bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em ở gia đình, nhà trường, xã hội là rất cấp thiết. Một số biểu hiện của trẻ bị bạo lực, xâm hại: Xuất hiện các vết thương, bầm tím không rõ nguyên nhân. Thái độ sợ sệt, ngượng ngùng mỗi khi giáp mặt đối tượng. Sinh hoạt bất thường, kém ăn, khó ngủ hoặc ngủ li bì. Sức khỏe thay đổi, ốm, sốt, xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau bụng, dễ bị hoảng loạn (la hét, ác mộng, giật mình). Buồn bã, tức giận, lo âu, sợ hãi vô cớ. Trẻ sống thu mình lại, không muốn ra ngoài, không muốn trò chuyện với mọi người… Tự làm đau bản thân (cắt tay, đập đầu, đấm vào tường, …) Các biện pháp phòng, chống nguy cơ bị bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em: - Hướng dẫn trẻ nhận biết những hành vi bạo lực, xâm hại cơ thể để đề phòng. - Dạy trẻ giao tiếp theo quy tắc 5 ngón tay: Ngón cái – ôm với ông bà, cha mẹ, các thành viên trong gia đình; ngón trỏ - nắm tay cô giáo, bạn bè hoặc họ hàng; ngón giữa – bắt tay khi gặp người quen; ngón áp út – vẫy tay khi đó là người lạ; ngón út – xua tay không tiếp xúc, thể hiện thái độ dứt khoát với người khiến trẻ bất an. - Dạy trẻ những kiến thức về giới tính và các vùng nhạy cảm: Ngoại trừ bố mẹ khi giúp trẻ tắm rửa hay y tá thăm khám cho trẻ, còn lại không ai được tùy tiện chạm vào cơ thể trẻ, đặc biệt là những vùng nhạy cảm. - Dạy trẻ kiên quyết trước những dấu hiệu của hành vi xâm hại, bạo lực. - Dạy trẻ tránh xa và tuyệt đối không tin tưởng người lạ mặt: Không nhận quà hay nghe theo lời dụ dỗ của bất cứ người lạ nào và cũng không được đi theo họ dù bất cứ nơi đâu. - Không đi một mình ở nơi tối tăm, vắng vẻ. - Không mở cửa cho người lạ hoặc không ở trong phòng kín một mình với người lạ. Nếu đó là người quen của gia đình thì cửa phòng phải luôn được mở. - Dạy trẻ cách chạy thật nhanh, kêu cứu hoặc nhờ sự giúp đỡ của người đáng tin cậy trong những tình huống khó khăn như bị xâm hại, bạo hành, dọa nạt, đánh đập,.. - Báo ngay cho cha mẹ, người thân khi trẻ bị đe dọa hoặc không thích bất kỳ người nào. Vấn nạn bạo hành hay xâm hại trẻ không chỉ để lại nỗi đau về thể xác mà còn ảnh hưởng đến tâm lí, tình cảm của trẻ. Hãy chung tay để đẩy lùi, bài trừ bạo lực, xâm hại trẻ em. Vì đây không chỉ là trách nhiệm của tôi, của bạn, của trường học, của ngành giáo dục mà là trách nhiệm của toàn xã hội