Hiểu sai về suy dinh dưỡng thể béo phì
Hiện nay, trẻ em Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng ở tuổi học đường và tiền học đường ở cả vùng nông thôn và thành thị. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng nông thôn, miền núi còn ở mức cao, tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng tăng nhanh ở khu vực thành thị.
Tuy nhiên, nhiều bố mẹ lầm tưởng suy dinh dưỡng chỉ xảy ra ở em bé gầy gò, ốm yếu. Trên thực tế, trẻ có cân nặng vượt quá mức bình thường cũng có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.
Nguyên nhân suy dinh dưỡng ở trẻ béo phì xuất phát từ chế độ ăn uống không khoa học và sự hiểu biết chưa đầy đủ về dinh dưỡng của ba mẹ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Ảnh: Cao Kim Anh
Suy dinh dưỡng thể béo phì hay còn được gọi là suy dinh dưỡng ở trẻ thừa cân béo phì, là tình trạng trẻ em bên ngoài có thể trạng béo tốt, phát triển bình thường nhưng lại thiếu canxi, thiếu máu, vitamin D, còi xương.
Đối với suy dinh dưỡng ở thể trạng này thường khó phát hiện hơn, ít được biết đến hơn so với suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng: “Dinh dưỡng hợp lý là yếu tố môi trường quan trọng đối với sự tăng trưởng và kiểm soát sức khỏe, bệnh tật trong các giai đoạn của cuộc đời con người. Chăm sóc dinh dưỡng sớm cho trẻ ở những năm đầu đời không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội thiết thực như tiết kiệm chi phí chăm sóc y tế, tăng khả năng giáo dục, năng lực trí tuệ và năng suất lao động khi trưởng thành.
Các công trình khoa học đã ghi nhận dinh dưỡng chính là nền tảng cho sự phát triển thể lực, sức khoẻ, trí tuệ, tầm vóc của trẻ, khả năng kiểm soát quá trình tiến triển của tình trạng béo phì và các bệnh mạn tính liên quan”.
Dinh dưỡng đóng 3 vai trò chính đối với cơ thể trẻ em là giúp trẻ tăng trưởng, phòng ngừa các bệnh liên quan tới ăn uống và khôi phục sức khỏe sau thời kỳ bệnh tật, thương tích. Sự phát triển ổn định, tăng trưởng tốt của mỗi đứa trẻ cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng tới quá trình học tập của trẻ nhiều năm sau này.
Theo điều tra của Viện dinh dưỡng quốc gia về các thực phẩm tiêu thụ tại căng tin các trường tiểu học của Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Lâm Đồng và Thành phố Đà Nẵng cho thấy: Học sinh tiểu học khu vực thành thị tiêu thụ nước giải khát là 28%, bánh kẹo 23%, món mặn là 41% (mì tôm và các món nướng, xào), trái cây 1% và sữa 7%.
Sự chênh lệch các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng kém hơn và gây ra nhiều bệnh lý đi kèm ở trẻ, trong đó, có suy dinh dưỡng thể béo phì.
Ngoài ra, theo Phó Giáo sư Bùi Thị Nhung, suy dinh dưỡng thể béo phì có thể khiến tốc độ lưu thông máu não và lưu lượng oxy theo máu chậm lại. Việc hoạt động của não bộ bị thiếu máu cục bộ và thiếu oxy đồng nghĩa rằng sẽ làm giảm sự chú ý và tốc độ suy nghĩ chậm lại, ảnh hưởng tới quá trình học tập của học sinh.
Thêm vào đó, việc thừa cân, béo phì ngoài những bất lợi về mặt sinh học, sức khỏe còn tác động rất lớn đến tâm sinh lý học sinh. Đến một độ tuổi nhất định, học sinh sẽ có những chú ý nhất định về ngoại hình. Một ngoại hình thừa cân có thể khiến trẻ em bị tự ti, điều này làm ảnh hưởng tâm lý học đường nặng nề, có thể dẫn đến xấu hổ, trầm cảm… điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh hoạt và học tập.
Phải xây dựng được thực đơn dinh dưỡng hợp lý
Theo Phó Giáo sư Bùi Thị Nhung, trẻ em ở lứa tuổi mầm non Việt Nam hiện nay thường bị thiếu vi chất và thừa cân béo phì do chế độ ăn chưa cân đối, đa dạng, còn thiếu vi chất dinh dưỡng.
“Đối với giáo dục dinh dưỡng theo nghiên cứu tại các trường học, chúng ta cần xây dựng tiêu chuẩn bữa ăn học đường, tháp dinh dưỡng cho học sinh; phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng; giáo dục dinh dưỡng; tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ; theo dõi và đánh giá tình trạng dinh dưỡng học sinh.
Nhằm cải thiện tầm vóc trẻ em Việt Nam, nhiều chính sách, chương trình, dự án đã và đang được thực hiện mang tính quốc gia, đồng bộ như Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng 2011-2020; Dự án Bữa ăn học đường… là những giải pháp được tiến hành để cải thiện tình trạng dinh dưỡng và tầm vóc ở trẻ”, Phó Giáo sư Nhung chia sẻ.
Mô hình điểm bữa ăn học đường được thực hiện trên 10 tỉnh thành trên cả nước. Ảnh: Cao Kim Anh
Tiêu biểu như Mô hình điểm “Bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh và sinh viên Việt Nam” của Đề án 41 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 8 tháng 1 năm 2019.
Đó là sự kết hợp của chế độ dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực sẽ giải quyết được bài toán gánh nặng kép hiện nay ở Việt Nam đó là thiếu dinh dưỡng dẫn đến thấp còi hay thừa dinh dưỡng dẫn đến béo phì.
Mô hình điểm do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao Vụ Giáo dục Thể chất chủ trì triển khai, được thực hiện trên 10 tỉnh thành trên cả nước, cho 5 vùng sinh thái khác nhau, cho cả trẻ ở độ tuổi mầm non và tiểu học.
Thông qua các hoạt động điều tra, khảo sát, tập huấn cho giáo viên về tổ chức bữa ăn, xây dựng thực đơn cho nhân viên nhà bếp, phụ trách bữa ăn và phụ huynh học sinh… để truyền thông nâng cao kiến thức dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho cán bộ, nhân viên nhà trường áp dụng vào trường học mang lại kết quả thực tiễn cho chính các em học sinh.
“Khi tham gia thực hiện Mô hình điểm Bữa ăn học đường, thật may mắn bởi chúng tôi biết rằng vấn đề dinh dưỡng ở trẻ là vấn đề cấp bách cần được quan tâm, trong đó có dinh dưỡng ở nhà trường.
Rất bất ngờ khi chúng tôi xây dựng thực đơn cho nhà trường nhưng đã có những phản hồi rất tích cực từ phía phụ huynh. Họ có nhu cầu cho con ăn đúng, đủ và cải thiện chính bữa ăn cho trẻ tại nhà. Chính vì thế, cân bằng dinh dưỡng từ chế độ ăn là nhu cầu hết sức cần thiết.
Thừa cân béo phì hay suy dinh dưỡng thể béo phì rất khó nhận biết, bởi ngay chính quan niệm con cái phải bụ bẫm, phải tăng cân của các bậc phụ huynh. Điều đó rất nguy hiểm”, bà Nhung nhận định.
Đối với trẻ có sẵn thể trạng thừa cân, theo Phó Giáo sư Bùi Thị Nhung, phụ huynh cần điều chỉnh một chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây. Đồng thời xây dựng cho trẻ một chế độ tập luyện đều đặn để duy trì cân nặng bình thường như: chạy bộ, đạp xe…
Hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm giàu chất béo nhưng lại nghèo dinh dưỡng như: đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn…
“Suy dinh dưỡng thể béo phì rất khó nhận biết, do thể trạng bên ngoải của trẻ béo tốt nhưng thiếu một số chất dinh dưỡng quan trọng trong cơ thể. Vì thế, nếu thấy trẻ có các biểu hiện suy dinh dưỡng thể béo phì như trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến các trung tâm y tế thăm khám và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp”, bà Nhung cho biết.