Trong thời gian gần đây, tại các phòng khám và bệnh viện có rất nhiều em bé bị nôn và tiêu chảy được đưa tới khám. Các bậc cha mẹ cũng thường hay lo lắng và lúng túng trong việc xử trí và chăm sóc bé bị nôn và tiêu chảy.
Bài viết này sẽ tập trung chỉ ra những nguyên nhân có thể gây nôn và tiêu chảy ở trẻ em, cách xử trí, theo dõi, chăm sóc trẻ và khuyến cáo những dấu hiệu cần đi bệnh viện.
1. Nguyên nhân gây nôn và tiêu chảy ở trẻ
Thực tế cho thấy nôn và tiêu chảy là triệu chứng khá phổ biến khi trẻ mắc một bệnh nào đó. Rất nhiều khi chỉ là một bệnh hoặc một tình trạng sức khỏe thông thường.
Nguyên nhân phổ biến của tình trạng nôn và tiêu chảy ở trẻ em là vi khuẩn hoặc virus, đặc biệt phổ biến là rotavirus. Trong giai đoạn này do có nhiều thông tin về bệnh viêm gan cấp bí ẩn nên nhiều cha mẹ cũng lo lắng, liệu bé nôn và tiêu chảy có phải liên quan tới viêm gan bí ẩn không, khi mà nguyên nhân gây bệnh này đang hướng tới adenovirrus. Câu trả lời là: Virus Adeno có thể gây tiêu chảy.
- Với nguyên nhân gây bệnh là virus, bệnh COVID-19 cũng có thể gây triệu chứng tiêu chảy trong giai đoạn cấp tính cũng như giai đoạn hậu COVID. Khoảng 30% em bé trong giai đoạn F0 có triệu chứng tiêu chảy và 10-15% em bé có triệu chứng hậu COVID là tiêu chảy.
- Ngoài ra, nôn và tiêu chảy còn gặp ở các bé bị lồng ruột (thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi). Triệu chứng của lồng ruột là bé nôn rất nhiều trong giai đoạn đầu, nhưng có kèm thêm đau bụng từng cơn.
- Một số thuốc mà bé uống cũng có thể gây nôn và tiêu chảy như thuốc kháng sinh gây rối loạn mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
- Dị ứng thức ăn, ngộ độc thức ăn cũng là nguyên nhân gây nôn và tiêu chảy.
- Triệu chứng nôn và tiêu chảy còn liên quan tới một số bệnh lý ngoại khoa.
Trẻ bị nôn, tiêu chảy do nhiều nguyên nhân.
Như vậy, nôn và tiêu chảy là triệu chứng của rất nhiều bệnh khác nhau, nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau, cho nên chúng ta phải rất thận trọng, không nên coi thường triệu chứng này.
Khi thấy bé nôn và tiêu chảy cần xác định rõ nguyên nhân để xử trí đúng. Tốt nhất cần đưa trẻ đi khám để xác định nguyên nhân và chỉ định điều trị. Quan trọng nhất là ta sẽ loại trừ được những nguyên nhân nguy hiểm, nguyên nhân ngoại khoa. Tuy nhiên, như đã nói, nguyên nhân phổ biến là rotavirus, và chúng ta sẽ cùng đi vào tìm hiểu sâu hơn về nôn và tiêu chảy do rotavirus.
Đặc điểm phân biệt nhiễm rotavirus với nhiễm khuẩn
- Nhiễm rotavirus: Thời gian ủ bệnh (từ khi nhiễm rotavirus đến khi có triệu chứng) thường khoảng 2-3 ngày. Sau đó em bé sẽ có triệu chứng nôn. Nôn do nhiễm rotavirus có đặc điểm là nôn nhiều trong vòng 6-24 tiếng, tiếp theo sẽ xuất hiện tiêu chảy. Thời gian tiêu chảy có thể 3-5 ngày, có thời điểm cao trào và giảm dần. Bé có thể sốt nhưng không sốt cao và chỉ trong vòng 1 ngày hoặc hơn một chút.
- Nếu do nhiễm vi khuẩn: Bé có sốt cao, tiêu chảy, phân có thể lầy nhầy lẫn máu.
Việc phân biệt nguyên nhân chính xác sẽ giúp hướng điều trị và chăm sóc đúng.
Rotavirus là nguyên nhân phổ biến gây nôn và tiêu chảy ở trẻ em.
2. Cách chăm sóc bé bị nôn và tiêu chảy
2.1 Bé nôn
- Bé nôn xong, để bé nghỉ 10-15 phút thì cho bé uống bù nước. Nên cho bé uống oresol và uống từng thìa nhỏ để tránh kích thích bé nôn trở lại.
Nhiễm rotavirus, bé sẽ nôn nhiều trong vòng 6-24 giờ đầu và giảm dần. Vì thế cha mẹ không quá lo lắng, quan trọng là bù nước cho bé bằng đường uống.
- Nếu bé nôn quá nhiều không bù nước được thì cha mẹ phải cho bé vào bệnh viện. Bé sẽ gặp nguy hiểm khi nôn, tiêu chảy làm mất nước, gây rối loạn điện giải, có thể dẫn tới sốc trụy mạch, ảnh hưởng đến tính mạng.
- Dung dịch bù nước: Dung dịch bù điện giải hiệu quả nhất là oresol. Quan trọng là cha mẹ phải pha oresol đúng cách theo hướng dẫn. Đó là pha 1 gói oresol dành cho trẻ nhỏ với 200ml nước. Pha nguyên gói không chia nhỏ và cho trẻ uống ít một, dần dần cho đến hết thì lại pha tiếp gói khác. Các bạn có thể dùng các loại oresol cho trẻ em bán tại nhà thuốc. Không dùng loại cho người lớn, hay các loại nước uống thể thao.
Trong trường hợp không dùng được oresol có thể cho trẻ uống nước lọc, sữa... trên nguyên tắc uống từng thìa để giúp con hạn chế hiện tượng nôn trớ.
2.2 Sau khi bé nôn, sẽ tiếp đến tiêu chảy
Thời gian tiêu chảy do rotavirus có thể kéo dài tới 5 ngày, có đỉnh điểm và giảm dần. Chăm sóc khi bé bị tiêu chảy quan trọng nhất cũng là bù nước, tương tự như khi bé nôn. Không để trẻ bị mất nước, dẫn tới rối loạn điện giải.
- Khi em bé bắt đầu bị tiêu chảy, cha mẹ lưu ý bổ sung lợi khuẩn, kẽm, vitamin nhóm B, D.
- Trong quá trình này cần chú trọng chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp bé hồi phục nhanh và tốt hơn. Bổ sung lợi khuẩn, cho bé ăn sữa chua. Chế độ ăn nên chia nhỏ bữa để bé dễ hấp thu hơn.
- Đảm bảo vệ sinh cho trẻ: Trẻ nhỏ hay có thói quen cho mọi thứ vào miệng có thể lây nhiễm mầm bệnh. Như vậy cha mẹ cần đảm bảo môi trường xung quanh trẻ được vệ sinh sạch sẽ bao gồm đồ vật, đồ chơi, đồ ăn thức uống.... Ngăn tái lây nhiễm virus, vi khuẩn cho bé. Vì nếu nhiễm thêm mầm bệnh, bệnh sẽ kéo dài.
- Phòng ngừa lây nhiễm: Trẻ nhiễm rotavirus có thể lây sang cho người khác. Giai đoạn lây nhiễm kéo dài từ 2-3 tuần. Phân của trẻ em mắc bệnh tiêu chảy do rotavirus sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước, có thể là những vật dụng tiếp xúc xung quanh. Virus rota lây truyền cho trẻ em qua đường phân - miệng. Ngoài ra, virus này cũng lây qua đường hô hấp. Do đó khi chăm sóc trẻ nôn và tiêu chảy do nhiễm rotavirus cần chú ý các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi thay bỉm, quần áo cho trẻ…, đảm bảo an toàn vệ sinh khi ăn uống…
3. Những sai lầm thường gặp khi chăm sóc trẻ nôn và tiêu chảy
- Pha oresol sai cách: Pha không đúng tỷ lệ thuốc - nước, chia nhỏ gói oresol để pha dần. Việc pha không đúng tỷ lệ như hướng dẫn hoặc chia nhỏ gói oresol rất nguy hiểm vì tỷ lệ pha có thể không đúng làm thay đổi áp lực thẩm thấu, dẫn đến rối loạn nước và điện giải, gây nguy hiểm cho trẻ.
- Cho bé uống lượng nhiều một lúc khiến bé dễ nôn, nôn nhiều hơn.
- Sử dụng thuốc cầm tiêu chảy: Không cho bé uống thuốc cầm tiêu chảy, vì có thể gây tình trạng nặng hơn cho bé. Cầm tiêu chảy vô hình chung là giữ lại mầm bệnh lâu hơn trong cơ thể, làm trẻ lâu khỏi, bệnh nặng hơn.
- Sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa xác định được bé bị nôn tiêu chảy do vi khuẩn. Nếu do virus thì điều trị kháng sinh vừa không hiệu quả vừa làm rối loạn hệ vi sinh đường ruột của trẻ, gây tiêu chảy kéo dài. Như vậy, cha mẹ không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ khi chưa đi khám bác sĩ và được kê đơn kháng sinh.
- Kiêng khem thức ăn quá mức: Sai lầm của nhiều cha mẹ là thấy con tiêu chảy nên kiêng rất nhiều thứ cho con. Như thế có thể khiến trẻ thiếu chất dinh dưỡng, khó tái tạo niêm mạc ruột bị tổn thương. Một số thực phẩm có thể giảm chứ không kiêng để trẻ thiếu chất. Chẳng hạn giảm dầu mỡ chứ không kiêng hẳn (từ 1 thìa dầu giảm xuống ½ thìa).
Pha oresol đúng cách để bù nước, bù điện giải cho trẻ bị nôn và tiêu chảy.
4. Khi nào cần cho bé đến bệnh viện?
- Khi bé nôn nhiều, không thể bù nước bằng đường uống được.
- Trẻ nhỏ bỏ bú, li bì
- Trẻ khát, biểu hiện là đưa cốc nước cho uống thì uống nhiều, đòi lại cốc để uống tiếp, trẻ sốt cao
- Trẻ tiêu chảy nhiều, phân có nhầy máu
Nếu có những dấu hiệu trên cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện vì đó là những dấu hiệu trẻ có thể gặp tình trạng nặng, nguy hiểm.