Trong hoạt động tạo hình, trẻ em có nhiều cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu các đối tượng miêu tả để có được hiểu biết, sự hình dung về các đối tượng, từ đó xây dựng các biểu tượng. Bởi vậy, có thể khẳng định rằng, hoạt động tạo hình là một trong những phương tiện tích cực để phát triển ở trẻ khả năng hoạt động trí tuệ như: óc quan sát, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng. Nhờ hoạt động tạo hình mà vốn hiểu biết của trẻ về thế giới xung quanh được tăng lên, ngày càng trở nên “giàu có” hơn cả về lượng và chất.
Một quá trình của hoạt động tạo hình cụ thể, trẻ sẽ được biết đến công dụng, đặc điểm, tính chất của từng loại vật liệu, giấy, bút chì màu, hồ, keo dán, đất nặn…Với bất kỳ đối tượng nào cần tạo hình trẻ cũng đều cần sử dụng đến tất cả các giác quan, sự ghi nhớ, trí tưởng tượng, tư duy về hình dáng, đặc trưng, màu sắc, kích thước của đối tượng để thể hiện được hết ý tưởng về đối tượng của mình. Do vậy hoạt động tạo hình cho trẻ mầm non đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích sự phát triển của năng lực trí tuệ, tăng khả năng nhận thức, vốn hiểu biết về thế giới quan xung quanh của trẻ.
Tham gia vào hoạt động tạo hình, trẻ sẽ trải nghiệm những xúc cảm đặc biệt như tình yêu thương, lòng mong muốn làm điều tốt cho người khác. Đó chính là điều kiện để hình thành ở trẻ tính chu đáo, ý thức cộng đồng, biết chia sẻ, quan tâm chăm sóc tới người khác và các kỹ năng giao tiếp xã hội.
Nắm được những ý nghĩa to lớn của hoạt động tạo hình nên giáo viên trường Mầm non Thạch Cầu nói chung và giáo viên lớp mẫu giáo nhỡ B3 luôn quan tâm, chú trọng chuẩn bị chu đáo đồ dùng, các mẫu gợi ý, khuyến khích trẻ sáng tạo để trẻ luôn có những trải nghiệm thú vị nhất.
Dưới đây là một số hình ảnh giờ hoạt động tạo hình lớp mẫu giáo nhỡ B3.