Mỗi khi tết đến xuân về, trong mâm cỗ người Việt ngày Tết cổ truyền dù ở đâu cũng không thể thiếu chiếc bánh chưng xanh, một món ăn đặc trưng của dân tộc. Và tục gói bánh chưng vào ngày tết, đó là nét đẹp truyền thống không thể thiếu được vào mỗi dịp xuân về. Mọi người cùng nhau bên nồi bánh chưng thể hiện sự sum vầy đoàn tụ.
Bánh chưng là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt, tương truyền rằng đã xuất hiện vào thời vua Hùng do Lang Liêu - Hoàng tử thứ 18 tạo ra sau khi được thần báo mộng. Đây là một loại bánh không chỉ mang ý nghĩa thiêng liêng về tín ngưỡng của người Việt, mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa về mặt văn hóa cũng như có nhiều lợi ích đối với sức khỏe.
Theo quan niệm thời bấy giờ, bánh chưng có hình vuông, màu xanh, tượng trưng cho mặt đất. Bánh dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng cho trời, thể hiện triết lý Âm Dương. Bánh chưng âm dành cho Mẹ, bánh dầy dương dành cho Cha.
Bánh chưng, bánh dầy là món ăn trang trọng, cao quý nhất để cúng Tổ tiên, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn, bao la như trời đất của cha mẹ. Không những thế, do dân tộc Việt Nam ta trước đây được cho là có nền văn hóa lúa nước, chính vì vậy, bánh chưng Tết đã xuất hiện ở mâm cỗ thờ từ rất lâu, để thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con người.
Hoà trong không khí hân hoan chào mừng xuân Quý Mão 2023. Trường mầm non Thạch Cầu đã tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ gói bánh chưng ngày tết nhằm giúp cho các bé tìm hiểu về phong tục, giáo dục nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam, trẻ hiểu sâu sắc về ý nghĩa bánh chưng ngày tết và được cùng tham gia gói bánh cùng cô.
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi hoạt động: