Hạn chế khói thuốc, tiếp xúc với môi trường ô nhiễm; tập thể dục, ăn uống lành mạnh… góp phần giữ cho phổi trẻ khỏe mạnh.
Thời tiết chuyển mùa, tình trạng trẻ mắc các bệnh đường hô hấp gia tăng nhanh. Bảo vệ trẻ trước những virus gây bệnh, cũng như chăm sóc phổi trẻ sau khi mắc bệnh đường hô hấp là điều quan trọng phụ huynh cần làm. Dưới đây là 5 cách có thể giúp con giữ cho lá phổi khỏe mạnh.
Tránh khói thuốc: Phụ huynh nên hạn chế để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá cả chủ động lẫn bị động. Trong thời gian tiếp xúc ngắn hạn, khói thuốc tác động tiêu cực đến sự phát triển của phổi, làm tăng khả năng nhiễm trùng đường hô hấp. Về lâu dài, trẻ hít khói thuốc thường xuyên dẫn đến các bệnh phổi mạn tính như khí phế thũng, viêm phế quản mạn tính. Bảo vệ trẻ khỏi khói thuốc cần thực hiện từ khi người mẹ mang thai và sau khi đứa trẻ được sinh ra.
Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: Các chất ô nhiễm như hóa chất độc hại, các hạt trong không khí ảnh hưởng tiêu cực rõ ràng đến sức khỏe của phổi.
Ở các đô thị, chất ô nhiễm đến từ khí thải ô tô, các nguồn công nghiệp và xây dựng. Cha mẹ lưu ý khi cho trẻ đi bộ, vui chơi ở những khu vực có nhà máy sản xuất, nơi tắc nghẽn giao thông, các dự án xây dựng... Ở các vùng nông thôn, chất ô nhiễm có thể đến từ các trang trại chăn nuôi, khu vực sử dụng nhiều phân bón. Trong nhà, trẻ có thể tiếp xúc với chất ô nhiễm như mạt bụi, gián, bếp đốt củi, các hóa chất, khí dễ bay hơi như radon. Phụ huynh nên mở cửa sổ để không khí trong lành lưu thông, hoặc dùng máy lọc không khí để cải thiện không khí trong nhà.
Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục có nhiều lợi ích cho sức khỏe nói chung và đối với phổi nói riêng. Nếu trẻ lười vận động, các phế nang (túi khí của phổi) dễ bị chèn ép gây ra tình trạng xẹp phổi. Khi tập thể dục, hoạt động hít thở giúp mở rộng phổi và khuyến khích việc mở các phế nang. Hơn nữa, tập thể dục cải thiện lưu lượng máu qua mạng lưới mao mạch mở rộng trong phổi, tăng cường các cơ liên quan đến hô hấp.
Bạn nên cho trẻ tập thể dục trong không gian xanh như công viên, đường mòn đi bộ, nơi có không khí trong lành.
Đưa trẻ đi khám định kỳ nếu ho dai dẳng, thở khò khè. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Giảm tần suất nhiễm trùng: Trẻ đi học, tiếp xúc với nhiều nhóm môi trường, việc giảm số lượng và tần suất nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em là nhiệm vụ khá khó khăn. Cách bảo vệ trẻ tốt nhất là dạy trẻ thực hành vệ sinh tiêu chuẩn như rửa tay thường xuyên, cho trẻ ở nhà khi ốm, đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm bệnh, sát khuẩn... Ngoài ra, tiêm chủng là chìa khóa để giúp trẻ giảm mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng khi mắc bệnh đường hô hấp.
Lối sống lành mạnh: Trẻ em nên ngủ đủ giấc và có chế độ ăn uống bao gồm trái cây tươi, rau quả để thúc đẩy tăng trưởng và cân nặng hợp lý. Cha mẹ cũng nên cho trẻ đi khám nếu con bị ho dai dẳng, thở khò khè hoặc khó thở khi hoạt động.