Chăm sóc, nuôi dạy trẻ tăng động là một hành trình dài, đầy gian nan, vất vả và rất cần sự kiên trì, nhẫn nại từ cha mẹ. Và để giúp các con nhanh chóng kiểm soát hành vi cảm xúc, bớt nghịch ngợm, tăng khả năng tập trung chú ý, cha mẹ hãy áp dụng ngay 9 cách dạy trẻ tăng động đơn giản, hiệu quả trong bài viết sau!
Mách cha mẹ cách dạy trẻ tăng động giảm chú ý tại nhà hiệu quả
Thiết lập kế hoạch công việc chi tiết, rõ ràng
Một nghiên cứu gần đây được đăng tải trên tạp chí Tâm lý học gia đình cho thấy, trẻ nhỏ sẽ ít có vấn đề về hành vi hơn nếu được cha mẹ xây dựng một thời gian biểu khoa học. Và thực tế đây cũng là một cách dạy trẻ tăng động rất tích cực, hiệu quả, bởi khi có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, trẻ sẽ cảm thấy an toàn, từ đó cải thiện kĩ năng tổ chức, sắp xếp công việc tốt hơn.
Cha mẹ cần lưu ý, khi lập kế hoạch cho trẻ cần ghi rõ mốc thời gian cụ thể cho từng nhiệm vụ chẳng hạn: 6 giờ 30 phút thức dậy, vệ sinh cá nhân; 6 giờ 45 phút ăn sáng; 7 giờ 15 phút đi học;….
Thiết lập thời gian biểu chi tiết là một trong những cách dạy trẻ tăng động hiệu quả
Đưa ra hướng dẫn chứ không làm thay trẻ
Khi yêu cầu trẻ tăng động làm bất cứ việc gì, cha mẹ cần giải thích rõ ràng và đưa ra những hướng dẫn thật cụ thể, dễ hiểu. Chẳng hạn thay vì nói rằng con phải làm hết bài tập trong tối nay thì bạn nên nhắc nhở: “Con cần làm xong 2 bài toán, 1 bài văn trong hôm nay”.
Nếu thấy trẻ gặp khó khăn khi bắt đầu nhiệm vụ, bạn nên giúp trẻ tìm ra hướng đi, thậm chí bạn có thể viết ra các bước để con tự mình áp dụng, nhưng tuyệt đối không làm thay trẻ.
Đừng tạo áp lực, hãy khen ngợi trẻ!
Thay vì tạo áp lực cho trẻ, cha mẹ hãy khen ngợi vì sự nỗ lực của trẻ trong quá trình học tập, hoàn thiện bản thân. Kể cả khi trẻ chưa đạt được kết quả tốt nhất nhưng nếu bạn thấy con đã cố gắng hết sức thì hãy cứ động viên, khích lệ trẻ.
Tuy nhiên, lời khen cũng cần sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, không phải cứ thấy con làm tốt chút đã vội vàng khen con giỏi giang, bạn nên cân nhắc có thể động viên con đã “làm đúng”, “làm tốt”, thay vì cứ ca tụng, tán dương vì sẽ khiến trẻ lầm tưởng về khả năng của mình.
Giải thích cho trẻ hiểu về những hành vi khống tốt của mình
Đánh mắng hay dùng đòn roi không phải là cách dạy trẻ tăng động giảm chú ý, thậm chí còn làm phản tác dụng khiến trẻ nảy sinh hành vi chống đối. Thay vào đó, cha mẹ hãy nhẹ nhàng giải thích để trẻ hiểu về những hành động sai trái của mình từ đó tự sửa chữa và không tái phạm ở lần sau.
Đồng thời đưa ra những hình phạt thích đáng và áp dụng ngay khi trẻ mắc lỗi. Ví dụ khi con nghịch ngợm, không chịu nghe lời, bạn có thể phạt bằng cách không cho con được đi chơi hoặc xem chương trình ti vi yêu thích.
Quy định thời gian rõ ràng cho từng nhiệm vụ
Trẻ tăng động thường không có khái niệm về thời gian, nên thường trì hoãn và chậm tiến độ trong mọi việc. Do đó cha mẹ cần thiết lập thời gian tối ưu cho từng nhiệm vụ của trẻ, ví dụ như bạn yêu cầu trẻ làm 1 bài toán trong 20 phút, viết đoạn văn trong 30 phút. Ngoài ra để con tập trung chú ý hơn, bạn có thể dùng đồng hồ báo thức cài đặt thời gian và quy định trẻ phải hoàn thành khi có chuông báo hết giờ.
Chia nhỏ từng nhiệm vụ của trẻ tăng động
Vì khó có thể tập trung trong thời gian dài nên trẻ tăng động thường nhanh chán và dễ bỏ cuộc giữa chừng. Do đó, với những nhiệm vụ lớn, cha mẹ nên chia thành nhiều bước nhỏ để trẻ dễ dàng hoàn thành và hứng thú hơn với nhiệm vụ tiếp theo.
Chẳng hạn khi viết một bài văn dài, bạn có thể chia thành 3 phần mở bài, thân bài, kết bài và định lượng khoảng thời gian phù hợp, khuyến khích con tập trung thực hiện từng phần.
Chỉ cho trẻ tăng động giải quyết một việc tại một thời điểm
Không ai có thể làm tốt nhiều việc cùng một lúc kể cả người lớn, bởi vậy với trẻ tăng động giảm chú ý cha mẹ chỉ nên yêu cầu trẻ làm một việc tại một thời điểm. Chẳng hạn nếu bạn muốn con dọn dẹp phòng ngủ, hãy yêu cầu trẻ làm từng nhiệm vụ nhỏ như gấp chăn, sắp xếp sách vở, cất đồ chơi,… Bạn cần giám sát để nhắc nhở trẻ sau khi hoàn thành một nhiệm vụ mới chuyển sang nhiệm vụ tiếp theo.
Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể dục, thể thao
Cha mẹ nên cho trẻ tham gia các môn thể thao như đá bóng, đá cầu, nhảy dây, cầu lồng, tập bơi,… không chỉ giúp trẻ tăng cường sức khỏe, mà còn góp phần giải phóng bớt năng lượng dư thừa, giảm bớt biểu hiện hiếu động, nghịch ngợm.
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tăng động thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao
Dành thời gian trò chuyện và chơi cùng trẻ
Qua những câu chuyện thực tế, hay các trò chơi thú vị, trẻ nhỏ sẽ học được nhiều điều bổ ích, rèn luyện kĩ năng xử lý tình huống, sự kiên nhẫn và khả năng tư duy logic. Đây cũng là cách dạy trẻ tăng động được nhiều chuyên gia tín nhiệm và khuyên phụ huynh nên áp dụng thường xuyên.
Do đó, cha mẹ hãy dành 30 phút mỗi ngày để đọc sách, kể chuyện và cùng con chơi các trò chơi như lego, giải câu đố, cờ vua, trò giả tưởng, đóng vai, diễn kịch,…
Phối hợp với thầy cô, nhà trường để trẻ được hỗ trợ tốt nhất
Cha mẹ cần chia sẻ với giáo viên, ban giám hiệu nhà trường về tình trạng của trẻ để từ đó đưa ra phương pháp hỗ trợ, giúp trẻ học tập tốt nhất. Bạn có thể nhờ thầy cô cho trẻ ngồi ở khu vực yên tĩnh, tránh xa cửa sổ, cửa ra vào để trẻ tập trung, không bị phân tâm trong giờ học. Thầy cô cũng có thể cho trẻ di chuyển trong lớp làm một số công việc như thu bài vở của các bạn, lau bảng,… để giảm bớt năng lượng dư thừa, giúp trẻ tập trung hơn.