Biếng ăn và suy dinh dưỡng dường như đã trở thành cụm từ quen thuộc và nỗi ám ảnh với các bậc cha mẹ đang nuôi con nhỏ.
1. Dấu hiệu của trẻ biếng ăn
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Biếng ăn không phải là một bệnh mà là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau. Biếng ăn ở trẻ là tình trạng trẻ nhỏ giảm hoặc mất cảm giác thèm ăn nên không thu nạp đủ lượng thức ăn theo nhu cầu cơ thể.
Biếng ăn ở trẻ trở thành nỗi ám ảnh của các bậc cha mẹ.
Có nhiều dấu hiệu để các bậc cha mẹ có thể xác định trẻ biếng ăn:
- Trẻ chậm tăng trưởng, chiều cao và cân nặng của trẻ không đạt chuẩn trung bình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO);
- Không chịu ăn hết khẩu phần hoặc bữa ăn thường kéo dài trên 30 phút, thậm chí hàng tiếng đồng hồ;
- Ăn ít hơn ½ khẩu phần ăn theo tuổi;
- Trẻ rất kén chọn, chọn lựa ăn món này, không ăn món kia. Từ chối không ăn, chạy trốn hoặc khóc lóc khi thấy thức ăn.
- Khi trẻ có các dấu hiệu trên, cần có giải pháp kịp thời để tránh tình trạng bé rơi vào vòng xoắn biếng ăn và suy dinh dưỡng hay tệ hơn là suy giảm hệ miễn dịch khiến cha mẹ lo lắng.
2. Những sai lầm khiến trẻ biếng ăn
Cho trẻ ăn không theo cữ
Để con tăng lượng ăn trong ngày, nhiều bố mẹ hay chiều theo sở thích ăn vặt của con, ăn không theo cữ cố định, trẻ cứ thích là lại cho ăn.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay: Cho ăn không đúng bữa, ăn bất kể lúc nào bé thích, ăn lai rai cả ngày là thói quen không tốt khiến trẻ ăn không được nhiều, không có cảm giác đói, không ngon miệng và không quan tâm đến bữa ăn chính, vô tình khiến việc ăn uống của trẻ vất vả hơn và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.
Nên tạo cho trẻ thói quen ăn theo cữ.
Ở trẻ sơ sinh, WHO khuyến cáo cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu, bú theo khả năng của trẻ. Nhiều bà mẹ không hiểu đúng về việc này đã cho bé bú bất kỳ khi nào bé muốn, mà không cho bú theo cữ.
Việc cho bé bú không thành cữ có nhiều vấn đề. Bầu ngực của mẹ tiết sữa không phải từ đầu đến cuối đều có chất đạm, đường, béo. Nguồn sữa đầu chủ yếu là nước và đường làm giảm cảm giác khát và đói của trẻ, giúp trẻ có năng lượng để bú tiếp đoạn sữa cuối chứa nhiều chất đạm, chất béo, giúp bé tăng trưởng. Việc cho bé bú liên tục mà chỉ bú đoạn sữa đầu thì trẻ không nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng.
Thêm vào đó, dung tích dạ dày sẽ phụ thuộc vào lượng thức ăn ăn vào. Một em bé sơ sinh đủ tháng nên ăn 8-10 cữ một ngày, mỗi cữ ăn cách nhau 2 tiếng. Nếu cữ ăn không đúng, lượng ăn ít, quấy khóc nhiều, ngủ không đủ giấc sẽ làm trẻ khó tăng cân.
Lựa chọn sai phương pháp ăn dặm
Ở giai đoạn ăn bổ sung, ăn dặm tự chỉ huy chỉ là tập các kĩ năng cho trẻ, không phải là phương pháp tối ưu áp dụng cho tất cả các trẻ. Vì vậy, khi áp dụng phương pháp này, ngoài việc lựa chọn thực phẩm phù hợp, nếu lượng ăn của trẻ kém, cha mẹ phải bổ sung thêm để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng.
Cha mẹ không thường xuyên thay đổi món ăn gây cảm giác chán ngán cho trẻ.
Chế độ ăn không phù hợp
Một số bà mẹ thực phẩm nào cũng xay nhuyễn, hoặc ngược lại để thô hoàn toàn, trẻ ăn đi ăn lại một loại thức ăn gây cho trẻ cảm giác chán ngán, không cảm nhận được sự khác biệt của các loại thức ăn, một thời gian cũng biếng ăn.
Một sai lầm nữa các bậc phụ huynh cũng thường hay mắc phải, là cho con ăn không phù hợp với độ tuổi, thức ăn quá đặc hoặc quá mềm khiến bé không chịu ăn hoặc sẽ nuốt chửng, Việc không nhai sẽ không kích thích phát triển các mầm răng. Đồng thời, không nhai làm cho các tuyến tiêu hóa không tiết ra enzym để tiêu hóa thức ăn, gây hiện tượng đầy ứ và khó chịu, các bé sẽ không nhận đủ được năng lượng để đảm bảo sự tăng trưởng.
"Tóm lại, đứa trẻ dù rất nhỏ, dưới 6 tháng bú mẹ cũng nên chia thành các cữ để tập làm quen. Đến giai đoạn ăn dặm, nên tập cho trẻ quen dần từ thức ăn thô đến thức ăn tinh, tập ăn từ ít đến nhiều, từ thức ăn dễ tiêu hóa đến thức ăn khó tiêu hóa hơn. Đặc biệt, mỗi loại thực phẩm đều có giá trị dinh dưỡng riêng, các cha mẹ nên phối hợp các loại thực phẩm, tối ưu hóa bữa ăn của trẻ để đảm bảo trẻ nhận đủ năng lượng, các vitamin và khoáng chất để phát triển." – PGS Việt Hà chia sẻ.
3. Cách phòng tránh biếng ăn cho trẻ
Tạo không khí vui vẻ, thoải mái khi cho trẻ ăn. Hãy khen ngợi khi trẻ chịu ăn dù chỉ là lượng thức ăn nhỏ để trẻ thích thú với việc ăn.
Cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm tròn 6 tháng tuổi, không nên cho trẻ ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn. Đây là thời điểm hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển khá hoàn chỉnh nên có thể hấp thụ những thức ăn đặc và phức tạp hơn so với sữa mẹ
Cho trẻ ăn vừa đủ số lượng và số bữa phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Khẩu phần của trẻ cần phù hợp với độ tuổi. Nếu trẻ từ chối ăn một loại thức ăn mới, cha mẹ đừng cố ép mà nên để con thử vào dịp khác.
Tuyệt đối không nên cố ép khi con từ chối ăn.
Cho trẻ ăn đa dạng các loại thức ăn để phòng tránh thừa hoặc thiếu vitamin, khoáng chất.
Để cho trẻ "được đói" bằng cách cho trẻ ăn đúng bữa, đúng giờ và hãy dừng bữa khi trẻ không còn muốn ăn thêm.
Hạn chế tối đa sự mất tập trung khi cho trẻ ăn. Không nên cho trẻ vừa ăn vừa xem tivi, chơi điện thoại, đi rong,…
Hội chứng kém hấp thu ở trẻ, mẹ tuyệt đối đừng coi thường