Giữ gìn vệ sinh răng miệng tốt hàng ngày rất quan trọng đối với sức khỏe nói chung. Nhiều người tin rằng súc miệng bằng nước muối có thể giữ vệ sinh răng miệng tốt.
Điều này có đúng không? Hiểu đúng và thực hành đúng cách khi vệ sinh răng miệng bằng nước muối sẽ giúp bạn tránh được những tổn hại không đáng có.
Nước muối sú !important;c miệng có hiệu quả không?
Nước muối đã được sử dụng để vệ sinh răng miệng trong hàng trăm năm, từ La Mã đến Trung Quốc cổ đại. Các tài liệu Ayurvedic (y học cổ truyền) Ấn Độ cổ đại đã được tìm thấy có phần hướng dẫn vệ sinh răng miệng bằng nước muối. Ngày nay, các bác sĩ nha khoa cũng thường khuyên dùng nước muối súc miệng để giảm sưng đau sau nhổ răng.
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2010 cho thấy súc nước muối là một cách hiệu quả để tiêu diệt vi khuẩn trong miệng. Dung dịch muối thay đổi điều kiện môi trường miệng trở nên không có lợi cho sự phát triển của vi khuẩn và khiến chúng bị tiêu diệt.
Có thể sử dụng nước muối để súc miệng thường xuyên không?
Nhiều người nghĩ đơn giản rằng sử dụng nước muối súc miệng thường xuyên là một cách kinh tế hơn và hiệu quả hơn để đạt được sức khỏe răng miệng tốt. Nhưng trong khi nước muối có thể giảm viêm sau khi nhổ răng và hiệu quả tốt đối với vết loét miệng, thì nó cũng lại có thể làm hỏng men răng nếu sử dụng trong thời gian dài. Đó là vì, nước muối có tính kiềm tự nhiên và có thể gây tổn thương men răng dẫn đến sâu răng. Súc ngậm nước muối thường xuyên có thể trừ được mùi hôi miệng, nhưng mặt khác điều này lại có thể không tốt cho sức khỏe tổng thể trong trường hợp hôi miệng là triệu chứng của bệnh lý khác và bị “xóa” mất dấu hiệu chẩn đoán.
Một câu hỏi thường xuyên được đặt ra là “Có nên thay nước súc miệng bằng nước muối không?”. Không có nghiên cứu khoa học nào xác nhận rằng nước muối có ưu điểm vượt trội so với nước súc miệng thương mại. Trên thực tế, nước súc miệng thương mại được pha chế một cách khoa học để có độ pH trung tính, giúp bảo tồn men răng. Tuy nhiên, nồng độ cồn cao có trong một số loại nước súc miệng có thể tăng nguy cơ ung thư miệng. Nước súc miệng có chứa một hợp chất gọi là chlorhexidine chỉ được khuyến cáo dùng trong 2 tuần. Các hợp chất chlorhexidine kháng khuẩn trong nước súc miệng làm tăng huyết áp, gây ra đổi màu sắc trên răng. Nước súc miệng có chứa fluoride thường được khuyên dùng để sử dụng hàng ngày nhưng ở đây vẫn tồn tại nghi ngờ là một chất gây ung thư tiềm ẩn. Một số loại nước súc miệng có chứa triclosan công nghiệp, một chất kháng khuẩn, gây ra những thay đổi nội tiết tố, tổn hại đến hệ thống miễn dịch và làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Vì thế, bạn vẫn cần cẩn thận khi chọn nước súc miệng thương mại.
Còn nói về lợi ích của nước muối để súc miệng thì có thể kể ra vài điều sau đây: Có giá thành rẻ hơn nước súc miệng thương mại; Thân thiện với môi trường hơn các hóa chất có trong nước súc miệng thương mại; Thuận tiện vì muối có sẵn dễ dàng và pha chế hỗn hợp có thể được thực hiện ở bất cứ đâu; Không có cồn, vì vậy sẽ không gây ra cảm giác nóng rát mà một số loại nước súc miệng gây ra ở những người nhạy cảm; Sẽ không gây dị ứng; Không gây kích ứng với các mô miệng nhạy cảm; Tác dụng kháng khuẩn.
Một số tình trạng răng miệng sau đây có thể sử dụng nước muối súc miệng để hỗ trợ điều trị:
Hôi miệng: Nước muối sẽ tiêu diệt vi khuẩn gây hôi miệng và gây viêm.
Bệnh nướu răng (viêm nướu) được đặc trưng bởi viêm nướu và chảy máu do sự phát triển quá mức của một loại vi khuẩn trú tự nhiên trong miệng và phát triển quá mức. Súc miệng bằng nước muối sẽ làm giảm tỷ lệ viêm nướu.
Đau răng do sâu răng gây ra bởi vi khuẩn có thể được giảm thiểu nhờ súc miệng nước muối.
Chữa lành mô miệng sau khi nhổ răng hoặc điều trị viêm vì muối là chất làm se và làm cho mô co lại, thúc đẩy quá trình lành thương nhanh chóng. Nước muối cũng ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan.
Làm giảm đau họng bằng cách tiêu diệt vi khuẩn và làm dịu các mô họng bị viêm.
Cách dùng nước muối để súc miệng
Có một số biến thể cho công thức của nước muối súc miệng. Điều đó có nghĩa là bạn có thể lựa chọn mà không quá ép vào một công thức cứng nhắc, miễn là phù hợp sở thích cá nhân, nhưng chú ý đừng làm cho dung dịch quá mặn. Độ mặn nên tương đương với nước muối sinh lý.
Bạn có thể pha 1/2 - 3/4 muỗng cà phê muối với một cốc nước ấm. Sau khi dung dịch được hòa tan, nhấp một ngụm và súc trong miệng trong khoảng 30 giây sau đó nhổ ra. Có thể nhấp một ngụm thứ hai và lặp lại trong 30 giây nữa. Cách này sẽ loại bỏ những mảnh thức ăn bị mắc trong kẽ răng và loại trừ vi khuẩn gây ra do sự tích tụ quá nhiều của mảng bám. Sau đó mới đến súc họng, đánh răng và làm sạch răng bằng chỉ nha khoa. Khi súc họng, ngửa cổ ra sau để nước muối chạm thành sau họng, dùng hơi đẩy nước muối ra, tạo tiếng kêu “khò khò” đều đặn. Nên nhổ nước cũ đi rồi lặp lại động tác trên vài lần với nước muối mới, cho đến khi họng không còn cảm giác vướng víu nữa.
Có thể thêm baking soda vào dung dịch muối để tăng độ pH hơn nữa: 1/2 muỗng cà phê baking soda, cộng 1/2 muỗng cà phê muối pha với nước ấm. Hỗn hợp này có thể giúp làm trắng răng tốt hơn.
Lời khuyên của nha sĩ:
Hãy nhớ rằng trong khi nước muối súc miệng tự pha rẻ tiền và tiện lợi, thì lại có thể gây sâu răng vì độ kiềm quá mức của dung dịch làm mòn men răng. Men răng bị hư hại sẽ dẫn tới sâu răng, cũng có thể gây sứt mẻ và mòn răng quá mức, vì thế nên cân nhắc khi dùng nước muối để vệ sinh răng miệng hàng ngày, thường xuyên và lâu dài. Luôn phải nhổ nước muối súc miệng ra sau khi sử dụng. Muối dùng để pha nước súc miệng phải là muối sạch đã được tinh chế.