Truyện:" Tấm cám"
Ngày xưa, con Tấm, con Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Tấm là con vợ cả, Cám là con vợ lẽ. Bố chúng nó mất rồi, mẹ con Tấm cũng mất rồi. Tấm ở với con Cám và dì ghẻ là mẹ con Cám.
Một hôm dì đưa cho mỗi đứa một cái giỏ, bảo đi bắt tôm bắt tép. Dì hứa rằng: "Hễ đứa nào bắt được nhiều thì cho yếm đỏ".
Hai đứa cùng mang giỏ đi ra đồng, Tấm bắt được nhiều, Cám bắt được ít. Cám bảo rằng: "Chị Tấm ơi chị Tấm, đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về dì mắng".
Lúc con Tấm hụp xuống thì con Cám ở trên bờ trút lấy cả tôm tép của con Tấm vào giỏ mình rồi mang về trước. Con Tấm lên dòm đến giỏ thì thấy mất cả, nó mới khóc hu hu lên.
Bụt hiện lên hỏi: "Làm sao con khóc"? Con Tấm kể sự tình cho Bụt nghe rồi lại khóc. Bụt bảo nó dòm vào giỏ xem có còn gì không. Con Tấm dòm vào thì chỉ thấy có một con bống mà thôi. Bụt mới bảo đem thả con bống xuống dưới giếng mà nuôi; cứ một ngày hai lần, mỗi bữa cơm đáng ba bát thì ăn hai còn bớt một bát để cho bống. Lúc đổ cơm xuống giếng thì bảo thế này: "Bống ơi bống! lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người".
Con Tấm nghe lời Bụt đem thả bống xuống giếng. Cứ đến bữa cơm nó ăn xong lại mang thùng ra giếng gánh nước, giấu bát cơm vào thùng đem cho bống. Lúc đổ cơm xuống giếng thì nói như lời Bụt dặn. Bống nghe thấy chẳng lần nào là không lội lên mặt nước để ăn.
Đến sau, mẹ con Cám biết ý mới cho đi rình. Con Cám lẻn đi thấy con Tấm đổ cơm xuống giếng và nói mấy lời như thế, thì nó học thuộc lòng lấy rồi về thưa chuyện lại cho mẹ nó nghe.
Hôm sau, mẹ con Cám bảo Tấm rằng: "Con ơi con! mai đi chăn trâu phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng gần mà làng bắt mất trâu".
Con Tấm vâng lời, hôm sau phải dắt trâu đi chăn đồng xa, ở nhà hai mẹ con con Cám đem bát cơm ra giếng, đổ xuống đấy rồi cũng nói như con Tấm nói mọi khi. Bống lội lên mặt nước thì mẹ con con Cám bắt lấy mang về làm thịt ăn.
Đến bữa cơm, con Tấm lại cứ đem cơm ra cho bống. Nhưng bận này không thấy bống nữa, chỉ thấy cục máu nổi lên mặt nước. Nó mới khóc òa lên. Bụt lại hiện lên hỏi: "Làm sao con khóc"? Con Tấm thưa rằng: "Con nuôi bống ở dưới giếng, mọi khi cho nó ăn nó vẫn lội lên mặt nước, mà hôm nay con đem cơm cho nó, không thấy nó nữa, chỉ thấy một hòn máu". Bụt bảo rằng: "Người ta bắt bống ăn thịt rồi. Con về nhà nhặt lấy xương nó. Con mua bốn cái lọ bỏ vào đấy rồi đem chôn ở bốn góc giường con nằm".
Con Tấm nghe lời Bụt, về nhà tìm xương bống. Có một con gà bảo nó rằng: "Cục ta cục tác, cho ta nắm thóc ta bới xương cho". Con Tấm lấy thóc ném cho gà, gà bới một chỗ thì thấy xương ngay. Tấm nhặt lấy bỏ vào lọ rồi đem chôn.
Được ít lâu nhà vua có mở hội. Hai mẹ con con Cám sắm sửa đi xem. Mẹ con Cám lấy một đấu thóc và một đấu gạo, trộn lẫn với nhau, rồi bắt con Tấm phải lựa riêng ra. Dì con Tấm bảo nó thế này: "Lúc nào mày nhặt xong thì mới được đi xem hội, hễ chưa xong thì không được đi". Nói thế rồi hai mẹ con nó đi. Con Tấm ở nhà khóc. Bụt lại hiện lên hỏi: "Làm sao con khóc"? Nó thưa rằng: "Con khổ quá, dì con bắt phải nhặt bấy nhiêu thóc gạo, xong thì mới được đi xem hội. Đến lúc nhặt xong thì hết hội còn gì mà xem". Bụt bảo rằng: "Để ta cho một đàn chim sẻ xuống nhặt đỡ". Con Tấm sợ chim ăn mất thì dì về nó phải đòn. Bụt lại bảo rằng: "Rồi ta cấm không cho chim ăn, con đừng lo".
Đến khi lựa riêng xong rồi, con Tấm lại khóc. Bụt lại hỏi: "Làm sao con khóc"? Nó thưa rằng: "Con không có quần áo đẹp để đi xem hội". Bụt bảo rằng: "Con đi đào những cái lọ đã chôn ngày trước lên, thì muốn quần áo đẹp thế nào cũng có". Tấm mới đào lên, thì thấy quần áo, một đôi giày và một con ngựa. Tấm mừng quá, thắng bộ vào rồi đi xem hội.
Lúc Tấm đi qua bờ hồ, đánh rơi chiếc giày, không sao lấy lên được. Một lát sau, vua ngự đến gần đấy, voi đứng dừng lại kêu rầm rĩ lên. Vua thấy sự lạ mới phán cho quân lính phải xuống hồ, xem có cái gì lạ không. Tức khắc lính xuống hồ, mò thấy một chiếc giày đàn bà đẹp lắm. Vua phán cho tất cả con gái đi xem hội ướm thử. Hễ chân ai đi vừa thì vua lấy làm vợ.
Trong đám hội ai cũng ướm cả, cả mẹ con con Cám cũng chẳng từ. Nhưng chẳng có chân ai vừa, Tấm cũng xin ướm thử. Dì nó mắng rằng: "Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh bỏ ngoài bờ tre". Đến lúc Tấm ướm thì vừa vặn. Lính thị vệ đem ngay kiệu rước về cung.
Đến ngày giỗ bố, Tấm về nhà. Dì nó bảo nó trèo lên cây cau cắt mấy quả để cúng. Lúc Tấm trèo đến ngọn cây, thì dì nó đẵn gốc. Tấm thấy động bèn hỏi: "Dì làm gì ở dưới ấy thế"? Dì nó bảo rằng: "Dì đuổi kiến cho nó khỏi đốt con đây mà". Lúc đang cắt cau thì cây đổ, Tấm ngã xuống ao chết đuối. Dì nó lấy quần áo của nó mặc vào cho con Cám rồi đưa vào cung.
Con Tấm hóa ra chim vàng anh đến đậu ở vườn nhà vua, bảo lính giặt áo rằng: "Phơi áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi hàng rào rách áo chồng tao". Một hôm vua nghe tiếng chim hót, phán rằng: "Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh chui vào tay áo". Chim nhảy ngay vào, vua bắt bỏ vào lồng sơn son thếp vàng. Từ đấy cả ngày cả đêm vua chỉ chơi với chim.
Con Cám kể với mẹ, mẹ xui bắt chim làm thịt ăn. Về đến cung nó sai ngay lính giết chim ăn thịt, rồi vứt lông ra vườn. Lông chim hóa ra hai cây soan đào. Vua thấy đẹp, mắc võng vào hai cây ấy, rồi nằm chơi dưới bóng mát.
Con Cám về mách mẹ, và cứ theo lời mẹ xui, nó bắt lính đẵn cây lấy gỗ đóng làm khung cửi. Đến lúc dệt thì nghe tiếng kêu: "Kẽo cà kẽo kẹt, lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra".
Con Cám lại về mách mẹ. Mẹ nó xui đốt khung cửi, nó cũng sai lính làm ngay. Những than tro lúc đổ ra đường lại hóa ra cây thị, chỉ có một quả đẹp lắm. Bà lão hàng nước đi qua thấy quả thị đẹp, bảo rằng: "Thị ơi thị! rụng vào bị bà, bà đem bà ngửi chớ bà không ăn". Thị rụng ngay xuống, bà ta lấy mang về nhà.
Ngày nào đi chợ sắm đồ hàng, khi về cũng thấy cơm canh để phần tươm tất lắm, bà ta lấy làm lạ. Một lần bà lão giả vờ đi chợ, đến nửa đường thì lộn về. Rón rén lại dòm vào khe cửa, thấy có một cô tiên đang làm đồ ăn, bất thình lình bà ta chạy vào, thì cô tiên lộ cơ không biến đi được. Bà ta mừng lắm ôm choàng ngay lấy. Từ đấy thương yêu nhau như hai mẹ con. Lúc bà ta đi tìm quả thị thì chỉ thấy có cái vỏ không mà thôi. Bà ta lấy xé vụn ra rồi giấu biến đi một chỗ.
Có một hôm vua dạo chơi gần đấy, thấy trong hàng có một bà lão phương phi và phúc hậu, vua mới ghé vào. Bà ta lấy trầu nước kính dâng. Vua thấy trầu têm giống như hoàng hậu têm ngày trước, phán hỏi: "Trầu này ai têm"? Bà ta tâu là của con gái têm. Vua phán muốn xem mặt, bà ta bảo ngay con ra, thì chính là vợ vua ngày trước. Vua phán bảo rước về cung, Tấm lại làm hoàng hậu.
Con Cám thấy chị xinh đẹp mới hỏi rằng: "Chị Tấm ơi, chị Tấm! chị làm thế nào mà đẹp thế"? Tấm bèn bảo: "Em có muốn đẹp không"? Cám thưa chị có. Tấm bèn sai đào một cái hố sâu và đun một nồi nước to thực sôi, rồi bảo con Cám xuống cái hố ấy. Lúc Cám bước xuống hố thì Tấm sai đổ nước sôi xuống. Con Cám chết nhăn răng ra. Xác nó bỏ vào chĩnh, làm mắm đem biếu mẹ nó, bữa nào mẹ nó ăn cũng khen ngon. Có con quạ đậu trên mái nhà, kêu rằng: "Ngon gì mà ngon, ăn thịt con có còn xin miếng"? Mẹ nó giận lắm, mắng chửi quạ rầm rĩ lên và đuổi nó đi cho mau. Đến khi ăn gần hết mắm, thấy ở đáy chĩnh có đầu lâu con, thì lăn đùng ra chết tươi.
* * *
Có thuyết cho rằng Tấm Cám là nhân vật có thực ở ngoài đời, sinh vào thời triều Lý, cùng một thời với Lý Thường Kiệt, vị danh tướng đã đại phá quân nhà Tống. Đền thờ Tấm Cám gần đây còn dấu vết tại làng Dương Xá thuộc huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh. Cứ theo khẩu truyền của bô lão cùng dân trong làng và căn cứ vào ngọc phả thần tích tại đền thờ Đức Bà (Tấm Cám) và đền thờ tướng quân Lê Thiện, là dòng dõi Tấm Cám ở làng nói trên, thì câu chuyện khác với sự tích ta thường nghe kể cùng chuyện Tấm Cám bằng văn vần.
Tục truyền rằng phụ thân Tấm Cám tên húy là Lê Đại, mẫu thân là Vũ Thị Tĩnh, kế mẫu tức dì ghẻ cô Cám (chứ không phải cô Tấm) là người họ Chu. Cô Cám còn có tên chữ là Khiết Nương. Năm Cám lên ba thì mồ côi mẹ, 12 tuổi thì mồ côi cha. Em gái Cám do Chu Thị sinh ra tên là Tấm.
Sử chép rằng vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con, đi cầu tự qua làng Thổ Lợi (sau đổi là Dương Xá) thuộc Bắc Ninh, người đi xem đầy đường. Có một cô gái đẹp đi hái dâu, thấy xa giá nhà vua đi qua, cứ đứng tựa khóm lan chớ không ra xem. Vua để ý đến người đẹp, truyền gọi vào cung, tuyển nàng làm phi, đặt tên là Ỷ Lan.
Trong lúc vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành vắng, Ỷ Lan ở nhà có mang, Dương Hoàng Hậu không có con nên sinh ghen ghét, sợ nàng sinh được hoàng nam thì sẽ được vua sủng ái cất nhắc lên hơn mình. Dương Hậu mới biên thư tâu man với vua rằng mình có thai rồi độn bụng cho mỗi ngày một lớn thêm. Đến khi Ỷ Lan sinh hạ hoàng tử, Dương Hậu liền sai người bế trộm về nuôi, và giam Ỷ Lan lại, rồi gởi giấy báo tin cho vua đang ở đất Chiêm hay là mình sinh được hoàng nam, còn Ỷ Lan thì đẻ ra quái thai, chiếu tội cung nữ đã bắt giam vào lãnh cung.
Dương Hậu muốn ngầm giết Ỷ Lan nên trong khi giam cầm ở lãnhcung, năm ngày liền bắt nàng nhịn cơm để cho chết. Ỷ Lan nhờ người thân lượm trái thị chín rụng ở gần đó trao cho ăn mà sống được cho đến khi vua Thánh Tông trở về triều.
Thái Tử con Ỷ Lan bị Dương Hậu nhận làm con mình, vua Thánh Tông cũng tin thật, đặt tên là Càn Đức. Đến khi Càn Đức lên ngôi vua, tức là Lý Nhân Tông, mẹ đẻ là Ỷ Lan vẫn bị giam cầm ở lãnh cung mà không biết. Nhờ sư cụ Đại Điên mách bảo, mấy tháng sau khi lên ngôi vua, Nhân Tông mới biết chuyện, bèn bắt tội Dương Thái Hậu và cung nữ đã gạt tiên đế mà làm tội oan Ỷ Lan Thái Hậu (Cám).
Trước đó, em Cám là Tấm vào cung thăm chị, vua thấy nhan sắc liền nạp cung. Dương Hậu thấy hai chị em Ỷ Lan được vua sủng ái thì ghen ghét, rồi thừa lúc vua đi đánh giặc vắng, Dương Hậu độn bụng giả có thai, sợ lộ chuyện sau này, mới ngấm ngầm sai giết Tấm đồng thời giam Cám (Ỷ Lan) vào lãnh cung rồi định bỏ đói cho chết. Chu Thị được tin con mình là Tấm bị hại và con ghẻ là Cám bị giam cầm thì buồn rầu ốm mà chết. Sau khi được con là vua Nhân Tông gỡ hàm oan, Ỷ Lan được phong làm Hoàng Thái Hậu. Ỷ Lan vốn là người mộ đạo Phật, đi lễ vái khắp các đền chùa, và cuối cùng mất ở một ngôi chùa thuộc hạt Gia Lâm ngày nay.
Chuyện Tấm Cám của ta một phần lớn đã phỏng theo câu chuyện của Chiêm Thành, cùng là do chuyện lịch sử trên đây mà thêu dệt thêm theo tình cảm của dân tộc, qua bao nhiêu đời vẫn tồn tại trên cửa miệng người Việt Nam.