Đại dịch Covid-19 đã lây lan và bùng phát mạnh tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Tính đến ngày 07/9/2021, Việt Nam có hơn 550 nghìn người mắc và hơn 13,7 nghìn bệnh nhân tử vong, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống xã hội, giáo dục và kinh tế của đất nước. Để nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa tích cực như: Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn… thì việc sử dụng vắc xin phòng ngừa Covid-19 ngày càng trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu.
Tính đến ngày 01/9/2021, Việt Nam đã cung cấp 20,2 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 cho các tỉnh; có hơn 17,4 triệu người được tiêm 01 mũi (chiếm 18,1%) và 2,7 triệu người được tiêm đầy đủ 02 mũi vắc xin phòng Covid-19 (chiếm 2,8%). Tại Hà Nội, hiện nay có khoảng hơn 56% người trên 18 tuổi đã được tiêm ít nhất 01 mũi vắc xin phòng Covid-19, tỷ lệ tiêm chủng chung của toàn thành phố khoảng hơn 75%. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn là một trong 05 tỉnh có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin thấp nhất trên cả nước. Quận Long Biên bắt đầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 từ tháng 3/2021. Đến ngày 04/9/2021, toàn quận đã tiêm được 97.526 liều, đạt 80,5% chỉ tiêu được giao, trong đó có 9.437 trường hợp có phản ứng nhẹ sau tiêm như: Sốt, đau mỏi cơ, sưng tại chỗ tiêm…; chỉ có 02 trường hợp có phản ứng độ 2 sau tiêm chủng và đều được cấp cứu kịp thời.
Hiện nay, vấn đề tiếp cận vắc xin là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu của Chính phủ để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu, việc tiếp nhận vắc xin còn nhiều khó khăn, nguồn cung ứng vắc xin chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Biến chủng Delta lây lan nhanh khiến nhu cầu sử dụng vắc xin tăng cao. Theo con số mới nhất trong 6 tháng năm 2021, nếu như thế giới cần khoảng 11 tỷ liều vắc xin để đạt trạng thái gần như miễn dịch cộng đồng thì mới chỉ sản xuất được khoảng 4,5 tỷ liều. Do đó tình trạng khan hiếm vắc-xin xảy ra với tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam có 06 loại vắc xin phòng Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng là: AstraZeneca, Comirnaty của Pfizer/BioNTech, Moderna (tên khác là Spikevax), Janssen, Sputnik V và Vero Cell của Sinopharm. 06 loại vắc xin này đều cần được tiêm hai liều cách nhau vài tuần. Các dữ liệu khoa học cho thấy hiệu lực bảo vệ của vắc xin đã bắt đầu hình thành sau khi tiêm liều thứ nhất nhưng liều thứ hai sẽ làm gia tăng hiệu lực bảo vệ đó, giúp bảo vệ mạnh hơn, kéo dài hơn. Với hiệu lực bảo vệ từ 66,3% đến 97,6% trong việc ngăn ngừa lây truyền vi rút gây bệnh tuỳ loại vắc xin, việc tiêm chủng vắc xin vẫn là một trong những biện pháp quan trọng để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Các dữ liệu tính đến ngày 6/8 cho thấy vắc xin vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng Covid-19 bởi biến thể Delta, mặc dù có giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh có triệu chứng.
Đại dịch Covid-19 không chừa một ai, bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh bất cứ lúc nào. Hãy tiêm bất kỳ loại vắc xin có sẵn khi đến lượt. Tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 là cách an toàn nhất giúp cơ thể chống lại vi rút SARS-CoV-2. Vắc xin giúp giảm nguy cơ biến thể Delta lan truyền trong cộng đồng và gây ra các biến thể mới; bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Tiếp cận bình đẳng tất cả các loại vắc xin, vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất!