Vì sao sức khỏe tâm thần ở học sinh cần được quan tâm nhiều hơn?
Trong những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần học sinh đang gia tăng nhanh chóng như stress, lo âu, trầm cảm, tự tử, vấn đề “Hysteria tập thể”, các rối loạn dạng cơ thể ... Trên Thế giới có khoảng 10-20% trẻ em và thanh thiếu niên bị các rối loạn tâm thần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ mỗi 40 giây trên thế giới có một người tự tử (800.000 ca tự tử/năm). Tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 - 29 tuổi trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông.
Thực tế tại Việt Nam, vấn đề sức khỏe tâm thần đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều. Tỉ lệ các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam từ 8-29% đối với trẻ em và vị thành niên theo Báo cáo tóm tắt Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam của Unicef. Gần đây có những trường hợp học sinh, sinh viên tự tử như trường hợp bệnh nhi 13 tuổi, ở Long An được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM trong tình trạng ngộ độc thuốc trừ sâu do áp lực từ học tập, bạn bè. Theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.
Các rối loạn tâm thần là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở thanh thiếu niên. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiệm trọng đến sự phát triển thể chất, học tập và sinh hoạt.
Sức khỏe tâm thần là gì?
Sức khỏe tâm thần được định nghĩa là một trạng thái của sự khỏe mạnh và hạnh phúc, nhận thức rõ được khả năng của mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường trong cuộc sống, làm việc hiệu quả và có khả năng đóng góp cho cộng đồng.
Nguyên nhân nào dẫn đến vấn đề sức khỏe tâm thần ở học sinh?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các rối loạn tâm thần tuổi học đường như: áp lực học tập nhất là vào mùa thi; các bậc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng ở con cái và điều này tạo ra áp lực rất lớn cho các em; sự thay đổi các mối quan hệ bạn bè; những thói quen sống không lành mạnh như không hoặc ít tập luyện thể dục; thức quá khuya, ngủ dậy muộn, nghiện game, chơi điện tử quá nhiều, hút thuốc lá, uống rượu, … Những điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như sức khỏe. Và khi kết quả học tập không tốt nó lại tạo ra áp lực dẫn tới một vòng xoắn bệnh lý của các rối loạn tâm thần.
Dấu hiệu nhận biết học sinh mắc các rối loạn tâm thần là gì?
- Mất ngủ: Học sinh cần được ngủ trung bình tối thiểu 8 giờ mỗi ngày để đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi, đủ sức khỏe để tiếp tục học tập vào ngày tiếp theo. Khi thấy con em có biểu hiện mất ngủ, tổng thời gian ngủ trong ngày dưới 4-5 giờ, kèm than phiền mệt mỏi, biếng ăn, hay cáu gắt, bi quan, chán nản, cho rằng bản thân không đáp ứng được kỳ vọng gia đình,... là dấu hiệu các em đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là trầm cảm.
- Lo lắng quá mức: Áp lực học tập và kỳ vọng gia đình khiến các em cảm thấy lo lắng, đôi khi đó chính là động lực giúp các em cố gắng trong học tập. Tuy nhiên, cần chú ý nếu trẻ lo lắng quá mức, than phiền đau đầu, chóng mặt, căng cứng cơ,... khiến trẻ luôn bất an, khô miệng, khó nuốt, sợ đến trường. Đây có thể là biểu hiện của các rối loạn lo âu lan tỏa.
- Mệt mỏi vô cớ: Gây ảnh hưởng đến khả năng phục hồi sức khỏe, khiến trẻ không thể học tập được.
- Sử dụng thiết bị điện tử, mạng xã hội quá nhiều: Cha mẹ cần kiểm soát con em sử dụng thiết bị điện tử phục vụ đúng cho mục đích học tập. Nếu trẻ lạm dụng thiết bị điện tử để chơi game, mạng xã hội để xem phim trong thời gian dài sẽ gây mờ mắt, đau đầu, căng thẳng, mệt mỏi, chú ý và trí nhớ giảm, ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập.
Những biện pháp nào giúp phòng tránh các vấn đề sức khỏe tâm thần?
- Đối với gia đình và nhà trường
Phụ huynh cần theo dõi giấc ngủ của con em vì các rối loạn tâm thần thường gây ra mất ngủ. Bên cạnh đó nên tìm hiểu nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ ở trẻ và tìm hướng giải quyết. Khuyến khích học sinh nói ra vấn đề của mình, cùng trẻ tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề.Tránh đặt kỳ vọng quá cao ở trẻ, gây ra áp lực lớn trong học tập. Tạo môi trường học tập thân thiện, thoải mái, lành mạnh, sắp xếp lịch học tập và thi cử hợp lý, khoa học.
- Đối với học sinh
Bản thân học sinh cần xây dựng thời gian biểu học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học; tránh học quá nhiều, dồn nén sẽ dẫn đến kết quả học tập không tốt. Rèn luyện cách suy nghĩ tích cực, cố gắng giải quyết vấn đề; học cách đối thoại, trình bày vấn đề của bản thân với gia đình và nhà trường.Tăng cường các hoạt động thể thao, ăn uống lành mạnh, tránh các thói quen không tốt như thức khuya, chơi game, sử dụng các chất kích thích.
Phương pháp 5 - 4 - 3 - 2 - 1: giúp lấy lại bình tĩnh trong vòng 1 phút
Đây là một phương pháp tâm lý cực kỳ đơn giản, giúp đưa bạn về trạng thái cân bằng cuộc sống, dựa trên 5 giác quan cơ bản: thị giác, xúc giác, thính giác, khứu giác và vị giác. Trước khi bắt đầu bài tập cần chú ý đến nhịp thở nên chậm, sâu và dài. Cùng thực hiện nhé.
Hãy nhìn xung quanh và:
- Xác định 5 thứ bạn nhìn thấy mà ít khi để ý đến. Nó có thể là một cây bút, một điểm trên trần nhà, bất cứ thứ gì trong môi trường xung quanh bạn.
- Tìm 4 thứ bạn có thể chạm, và cảm nhận nó. Có thể là bất kỳ thứ gì - tóc, nền nhà, đôi giày đang đi, chiếc nhẫn đang đeo...
- Lắng nghe 3 âm thanh bạn nghe được. Đó cũng có thể là tiếng gió, tiếng đồng hồ, ...
- Tìm 2 mùi hương bạn đang ngửi thấy. Nếu bạn đang trong phòng, hãy ngửi mùi chiếc gối, hoặc đang đi dạo bên ngoài hãy ngửi mùi hương một loài hoa.
- Thử nếm 1 thứ, có thể là chính chiếc lưỡi của bạn hoặc 1 viên kẹo cao su.